Mức phạt rẽ phải khi đèn đỏ và chạy xe trên vỉa hè ? Ý nghĩa vạch mắt võng ?

0
34

Rẽ phải khi đèn đỏ bị phạt bao nhiêu ? Vạch mắt võng có ý nghĩa gì ? Hướng dẫn chạy xe đúng luật khi gặp vạch kẻ mắt võng ? Đi xe vào vạch mắt võng bị phạt bao nhiêu tiền? Chạy xe trên vỉa hè phạt bao nhiêu tiền ?

Và còn rất nhiều thắc mắc khác liên quan tới các lỗi vi phạm của ô tô và xe máy khi tham gia giao thông, nhất là ở các ngã tư, ngã ba đông đúc hay xảy ra ùn tắc giao thông. Đây đều là những câu hỏi nhận được rất nhiều sự quan tâm của mọi người bởi vì nếu không nắm kỹ sẽ khiến bạn có nguy cơ bị xử phạt nặng thậm chí bị tước giấy phép lái xe, thu giữ phương tiện.

Chắc hẳn bạn sẽ đồng ý với tôi rằng thật sự khó khăn để có thể nắm đầy đủ và chính xác các quy định mới nhất về Luật giao thông. Bởi vì có thể đã có thay đổi bổ sung từ Luật mà bạn chưa kịp thời nắm dẫn tới những hiểu lầm tai hại sau này.

Nhưng hóa ra việc cập nhật những quy định mới nhất liên quan Luật giao thông đường bộ không khó như bạn nghĩ !

Những gì bạn cần làm chính là đọc thật kỹ những cập nhật thông tin liên quan tới hành vi ô tô, xe máy rẽ phải khi đèn đỏ là đúng hay sai ? Tác dụng của vạch kẻ mắt võng là gì và đi thế nào cho đúng Luật khi thấy vạch mắt võng ? Mức xử phạt chạy xe trên vỉa hè ? 

Tất cả những nội dung này sẽ được tôi cập nhật theo nghị định 100/2019 mới nhất có hiệu lực từ 01-01-2020

Nghe thật thú vị đúng không ? Nếu bạn muốn biết nhiều hơn, tất cả những gì bạn phải làm là đọc tiếp phần bên dưới!

Rẽ phải khi đèn đỏ bị phạt bao nhiêu ?

Lần trước, tôi đã chia sẻ Mức xử phạt ô tô vượt đèn đỏ , còn lần này, ở nội dung dưới đây, tôi sẽ giải đáp thắc mắc Rẽ phải khi đèn đỏ bị phạt bao nhiêu ? Rẽ phải khi đèn đỏ đúng hay sai ? Xe máy có được rẽ phải khi đèn đỏ ? Xe ô tô có được rẽ phải khi đèn đỏ ? 

Căn cứ vào điểm b khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tín hiệu đỏ là cấm đi. Do đó, người tham gia giao thông phải dừng lại khi thấy đèn tín hiệu chuyển sang màu đỏ.

Tuy nhiên, một số trường hợp sau đây mà người tham gia giao thông HOÀN TOÀN được phép di chuyển khi đèn đỏ:

  • Khi có hiệu lệnh của cảnh sát giao thông cho phép rẽ.
  • Khi có đèn xanh báo hiệu ưu tiên cho phép lưu thông được lắp đặt kèm theo.
  • Khi có biển báo hiệu cho phép các xe lưu thông được lắp đặt kèm theo – Biển được phép rẽ phải khi đèn đỏ.
  • Khi thấy vạch kẻ đường – loại vạch mắt võng: Trường hợp không có biển cũng như đèn giao thông thì người tham gia giao thông cần tuân thủ theo vạch kẻ đường là vạch mắt võng. Khi đi trên vạch mắt võng, bắt buộc phải rẽ, không được dừng đỗ hay đi thẳng.
Mức phạt Rẽ phải khi đèn đỏ

Nếu không thuộc 1 trong những trường hợp được rẽ phải khi đèn đỏ mà tôi vừa liệt kê, thì hành vi rẽ phải khi đèn đỏ sẽ vi phạm Luật giao thông Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, chịu mức phạt sau đây:

  • Đối với xe ôtô và các loại xe tương tự ôtô: Áp dụng mức phạt 3 đến 5 triệu đồng, theo điểm a khoản 5 điều 5.
  • Đối với xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy: Áp dụng mức phạt từ 600.000 đồng đến một triệu đồng, theo điểm e khoản 4 điều 6.
  • Đối với xe máy kéo, xe máy chuyên dùng: Áp dụng mức phạt từ một triệu đồng đến 2 triệu đồng, theo điểm đ khoản 5 điều 7.
  • Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác: Áp dụng mức phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng, theo điểm đ khoản 2 điều 8.

Vạch mắt võng có ý nghĩa gì ?

Khi tham gia giao thông, không ít người thắc mắc Vạch mắt võng là gì ? Vạch mắt võng có tác dụng gì ? Lỗi đi vào vạch mắt võng / Lỗi đè vạch mắt võng bị phạt bao nhiêu tiền ? Chúng tôi sẽ giải đáp tất cả những thắc mắc đó ở nội dung dưới đây: 

Theo Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT mới có hiệu lực ngày 01/7 vừa qua, ý nghĩa vạch mắt võng trên đường được sử dụng để báo cho người điều khiển không được dừng phương tiện trong phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch để tránh ùn tắc giao thông.

Tùy theo sự cần thiết mà có thể sử dụng vạch kẻ kiểu mắt võng ở các vị trí thích hợp. Vạch kẻ kiểu mắt võng có thể sử dụng để xác định phạm vi cấm dừng trong phạm vi nút giao cùng mức, trên nhánh dẫn cửa vào hoặc cửa ra của nút giao hoặc những vị trí mặt đường cần thiết không cho phép dừng xe.

Hiện nay, quy cách vạch mắt võng có 02 loại như sau:

  • Vạch mắt võng kiểu đơn giản: gồm vạch chéo trong lòng hình chữ nhật, màu vàng bề rộng nét vẽ 20 cm – 40 cm;
  • Vạch mắt võng kiểu thông thường: vạch có nét vẽ màu vàng, vạch vành ngoài giới hạn phạm vi kẻ vạch mắt võng có bề rộng vạch 20 cm. Vạch mắt võng bên trong nghiêng 45° so với vành ngoài, vạch rộng 10 cm khoảng cách đường chéo 1 m – 5 m.
Vạch mắt võng

Hướng dẫn chạy xe đúng luật khi gặp vạch kẻ mắt võng

Hiểu ý nghĩa Các loại vạch kẻ đường thông dụng rất quan trọng để tránh vi phạm Luật giao thông, nhất là khi nhận thức rõ vạch mắt võng có tác dụng gì, khi thấy vạch kẻ mắt võng, người tham gia giao thông không được dừng lại trong vạch này.

Tuy nhiên, việc đi qua vạch mắt võng chia thành những trường hợp sau:

Vạch mắt võng không đi cùng mũi tên chỉ hướng:

  • Nếu đèn tín hiệu xanh, lái xe đi thẳng qua vạch mắt vòng thì không vi phạm luật;
  • Nếu gặp đèn đỏ mà lái xe dừng tại vạch mắt võng thì xem là vi phạm lỗi không tuân thủ hiệu lệnh vạch kẻ đường;

Trên vạch kẻ mắt võng là mũi tên xác định hướng phải đi:

  • Những người đi theo hướng phải đi của mũi tên được phép đi qua;
  • Những người đi qua vạch nhưng không đi theo hướng mũi tên vẫn sai luật.

Ví dụ: Mũi tên trên vạch mắt võng chỉ hướng rẽ phải. Nếu xe đi qua vạch kẻ mắt võng sau đó đi thẳng thì dù đèn xanh vẫn vi phạm lỗi không tuân thủ hiệu lệnh vạch kẻ đường.

Đi xe vào vạch mắt võng bị phạt bao nhiêu tiền?

Hành vi dừng xe trên vạch kẻ mắt võng, đi xe qua vạch kẻ mắt võng sai luật đều vi phạm luật giao thông và bị xử phạt theo Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định mức phạt lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường như sau:

Đối với ô tô: Phạt tiền từ 200.000 – 400.000 đồng. Nếu gây tai nạn giao thông thì còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng;

Đối với xe máy: Phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng. Nếu gây tai nạn giao thông thì còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

Tại các ngã tư, ngã ba đông đúc hay xảy ra tình trạng kẹt xe. Vì vậy, tại đó thường rất hay xảy ra tình trạng xe máy, thậm chí ô tô chạy xe lên vỉa hè. Vậy mức phạt chạy xe trên vỉa hè quy định thế nào theo Nghị định 100 năm 2019 ? Đó chính là những gì bạn sắp được khám phá ở nội dung phần tiếp theo.

Chạy xe trên vỉa hè phạt bao nhiêu tiền ?

Tại các thành phố lớn, tình trạng chạy xe trên vỉa hè xảy ra rất phổ biến, nhất là với xe máy. Đây là hành vi trái luật sẽ bị xử phạt nặng từ năm 2020.

Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.

Theo Thông tư 04/2008/TT-BXD, hè (hay vỉa hè, hè phố) là bộ phận của đường đô thị, phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến.

Do đó, vỉa hè không phải là phần đường dành cho ô tô, xe máy. Trừ trường hợp chạy lên vỉa hè để vào nhà thì tất cả các trường hợp khác khi chạy xe trên vỉa hè đều vi phạm luật giao thông. Căn cứ theo Nghị định 100/2019 có hiệu lực từ 01/01/2020, mức phạt chạy xe trên vỉa hè tăng mạnh. Cụ thể như sau:

Ô tô phạm lỗi chạy xe trên vỉa hè: Theo quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, ô tô điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định; điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà sẽ bị phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng (trước đây chỉ phạt từ 800.000 – 1,2 triệu đồng). 

Song song với việc phạt tiền, ô tô phạm lỗi chạy xe trên vỉa hè còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

Xe máy phạm lỗi chạy xe trên vỉa hè: Điểm g khoản 3 Điều 6 Nghị định này cũng quy định xe máy điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định; điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà bị phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng (trước đây chỉ phạt từ 300.000 – 400.000 đồng).

Mức phạt chạy xe trên vỉa hè phạt

*** Xem chi tiết Tốc độ lái xe trong khu dân cư để tránh vi phạm luật giao thông mới nhất năm 2020

Hy vọng với những chia sẻ mà Chúng tôi đem đến trong bài viết này sẽ thật sự hữu ích tới bạn !
 

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận