Sau 4 năm xuất hiện và 3 năm có mặt trên thị trường, VinFast Lux SA vẫn là một cái tên rất có sức hút và là một mẫu xe vượt trội trong tầm tiền. Dù đã chính thức bị “khai tử” nhưng đây vẫn hoàn toàn là một lựa chọn đáng cân nhắc trên thị trường xe cũ đã qua sử dụng. Một chiếc Lux SA lăn bánh trên 70.000km và đã qua vài đời chủ vẫn tỏ ra rất lì lợm, đầm chắc.
Thiết kế bền dáng theo thời gian
Sau 4 năm xuất hiện, công bằng mà nói VinFast Lux SA vẫn là một mẫu xe rất “nuột nà” và dễ nhìn. Nhờ những khối óc tài năng và đôi bàn tay thiện nghệ của “lò” Pininfarina, thiết kế của Lux SA không bị rối rắm hay cũ theo thời gian. Ở thời điểm giữa năm 2022, xe vẫn đem lại cái nhìn rất hiện đại và mang một “chất riêng” của VinFast với cụm đèn trước – sau độc đáo, mang tính nhận diện cao.
Trải qua 4 năm nhưng thiết kế của VinFast Lux SA vẫn rất cuốn hút, với điểm nhấn là bộ đèn LED dạng cánh chim mang tính nhận diện cao.
Còn cụ thể trên chiếc Lux SA 3 năm tuổi, thân xe đã xuất hiện nhiều “dấu hiệu tuổi tác” dễ nhận thấy: do chủ xe chỉ sử dụng để đưa đón con và không quá quan tâm tới ngoại hình, nên lớp sơn đã xuất hiện nhiều điểm “dặm lót” vụng về sau những cú đâm va và không được khắc phục một cách tỉ mỉ, khéo léo.
Thân xe xuất hiện nhiều dấu vết sửa chữa vụng về sau những lần va chạm. Tuy nhiên đây chỉ là trường hợp cá biệt.
Trên bề mặt mâm xe cũng có rất nhiều vết xước sâu, đặc biệt là ở phía sau – vị trí khó có thể xảy ra va chạm nếu lưu thông một cách cẩn trọng. Chủ xe đã sơn lại bộ mâm màu đen nên các vết trầy xước này lại càng trở nên “khó coi”.
Bộ vành trước và sau cũng có nhiều vết xước dù đã được sơn lại, chứng tỏ chủ xe sử dụng phương tiện của mình khá “bỗ bã”.
Điểm “chưa đạt” hiếm hoi của những chiếc Lux A hay Lux SA đó là hệ thống chiếu sáng mặc định của nhà sản xuất VinFast trang bị cho xe vẫn chưa khiến nhiều người sử dụng hài lòng. Tuy nhiên hiện nay, chủ xe hoàn toàn có thể dễ dàng nâng cấp đèn cho xe của mình với rất nhiều sự lựa chọn đa dạng đến từ các thương hiệu thứ ba uy tín trên thị trường Việt Nam như GTR hay Aozoom.
Bước vào bên trong xe, VinFast Lux SA đón chào hành khách bằng khoang nội thất bọc da Nappa màu nâu rất sang trọng, chất da mềm và có độ đàn hồi, đem lại cảm giác cao cấp. Chiếc Lux SA trong bài viết được bọc ghế bằng tấm lót, nên bề mặt da lại càng chưa xuống cấp sau 3 năm sử dụng.
Tuy nhiên ở những vị trí thường xuyên cầm nắm như táp-pi cửa hay các chi tiết phải liên tục phơi nắng như mặt trên của táp-lô, bề mặt chất liệu đã bắt đầu xuất hiện những “dấu vết” được thời gian in hằn lên. Tuy nhiên về tổng thể sau 3 năm lăn bánh, nội thất xe chưa cũ và xuống cấp, vẫn còn rất nuột nà.
Điểm chưa thực sự hài lòng, đó là cách bố trí của VinFast khiến cho Lux SA (và ngay cả mẫu xe anh em Lux A tương tự) trở nên đơn điệu bằng việc loại bỏ đi hầu hết các nút bấm và tích hợp các tính năng lên màn hình trung tâm.
Nhắc đến màn hình trung tâm, VinFast Lux SA sở hữu cụm màn hình thông tin giải trí có kích cỡ lên tới 10,4 inch – rất lớn, với thiết kế đặt dọc khác biệt so với số đông. Tuy nhiên cho tới cuối vòng đời sản phẩm hiện nay, màn hình này vẫn sở hữu rất ít tính năng (dù đã được bổ sung kết nối Apple CarPlay).
Giải pháp tạm thời mà chủ xe Lux SA lựa chọn, đó là sử dụng android Box, với ưu điểm không cần độ chế, chỉ cắm dây kết nối USB vào màn hình zin để “hô biến” trở thành màn hình chạy android Việt hóa, với đầy đủ các tính năng hiện đại, thông minh cao cấp.
Phía sau, Lux SA được trang bị cửa gió điều hòa, 2 cổng sạc USB, cổng tẩu sạc và cả ổ cấp điện 230V tiện lợi, phục vụ nhu cầu làm việc khẩn cấp trên đường đi chuyển. Từng đó trang bị đồ chơi có thể coi là khá đủ đối với một mẫu SUV đa dụng.
Trang bị bắt đầu có dấu hiệu “lỗi mốt”
Ở thời điểm 2022, danh sách trang bị trên VinFast Lux SA sẽ khó có thể hấp dẫn người tiêu dùng so với hàng loạt đối thủ ra sau “ngập ngụa” option chiều chuộng: xe chỉ được trang bị đèn LED, gương chỉnh – gập điện có sấy, mâm xe 19 – 20 inch tùy phiên bản ở phần ngoại thất. Xe không có camera 360 toàn cảnh, đèn thông minh hay hệ thống hỗ trợ lái cao cấp.
Trong khi đó nội thất Lux SA cũng chỉ sở hữu đồng hồ cơ sau tay lái, phanh tay điện tử kèm Auto-Hold, vô-lăng bọc da chỉnh tay, điều hòa tự động 2 vùng, sạc không dây và âm thanh 8 – 13 loa tùy phiên bản. Xe thiếu vắng lẫy chuyển số nhanh sau vô-lăng, cửa sổ trời, màn hình “thiếu thông minh” và nghèo nàn tính năng…
Đặc biệt, xe xuất hiện tiếng ù khi vận hành ở tốc độ thấp. Tuy nhiên khi tắt điều hòa, tiếng ù này lập tức không còn nữa. Như vậy theo phỏng đoán, rất có thể hệ thống dây đai nối giữa động cơ và máy phát điều hòa đã xuống cấp và gây ra tiếng ồn khi hoạt động. Việc này có thể khắc phục đơn giản, nhanh chóng và không hề tốn kém bằng cách thay dây curoa cho xe.
Có thể thấy, VinFast Lux SA tập trung nhiều vào “chất xe” như động cơ – hộp số – khung gầm và các giá trị ăn theo đó như: khả năng cách âm, khả năng dập tắt giao động, cảm giác lái…; hơn là chú trọng đầu tư vào các option giải trí để phục vụ các hành khách ngồi trên xe.
Nếu muốn cải thiện, người dùng buộc phải nâng cấp đồ chơi. Tuy nhiên đây lại là một triết lý thiết kế sản phẩm hợp lý. Bởi lẽ nâng cấp đồ chơi trên một chiếc xe có phẩm chất tốt, vẫn đơn giản và dễ dàng hơn là phải nâng cấp một chiếc xe kém phẩm chất mà lại được trang bị sẵn hàng loạt các tính năng “lòe loẹt” phục vụ khả năng “ăn chơi trước mắt” – hay nôm na là “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.
Sức mạnh vận hành lì lợm đậm chất Đức
VinFast Lux SA sở hữu khối động cơ 4 xi-lanh tăng áp, dung tích 2.0L mang mã N20 “hàng thửa” từ BMW. Mặc dù được tinh chỉnh lại các công nghệ vận hành và tỷ số truyền thay đổi nhờ sở hữu hộp số tự động 8 cấp đến từ thương hiệu ZF danh tiếng, Lux A vẫn sở hữu sức mạnh “tạm chấp nhận được”, với thông số hiệu năng cực đại có thể đạt 228 mã lực và 350 Nm lực mô-men xoắn.
Hệ thống động lực (bao gồm động cơ, hộp số và hệ truyền động cầu sau) của Lux SA vẫn đem lại cho người cầm lái cảm giác rất “lì lợm” sau 3 năm lăn bánh. Có vẻ như từng đó thời gian vẫn chưa đủ để có thể thử thách sức bền của hệ thống “tim mạch, cơ bắp” chuẩn châu Âu mà VinFast Lux SA được trang bị.
Tuy không thể sánh bằng những chiếc BMW mang máy 3.0L, tuy nhiên Lux SA vẫn có “độ vọt” nhất định và hoàn toàn dư sức để lưu thông trên bất kỳ cung đường nào ở Việt Nam (vốn được giới hạn tối đa ở mức 120 km/h). Mọi thao tác tăng tốc, vượt xe đều có thể thực hiện một cách dễ dàng trong tầm kiểm soát.
Ngay cả hệ thống khung gầm (được phát triển từ thế hệ F15 của BMW) và hệ thống treo (phía trước tay đòn kép, phía sau đa điểm – cực kỳ giá trị so với các đối thủ trong tầm tiền) của VinFast Lux SA cũng vẫn đáp ứng rất tốt sau 3 năm “bị chủ bỏ bê” không quan tâm bảo hành bảo dưỡng.
Mặc dù VinFast đã sử dụng hệ thống trợ lực lái thủy lực điều khiển điện (ngọn nguồn tạo ra âm thanh “iii” đặc trưng của những chiếc xe Lux), nhưng “đặc sản” thừa hưởng từ BMW – vô lăng khá “nặng” vẫn xuất hiện trên những chiếc Lux SA. Tuy nhiên với nhiều người, đánh lái đòi hỏi nhiều lực tay hơn bình thường lại là điểm ưu thế khi đem lại cảm giác vận hành “đầm chắc” mang đậm “chất SUV”.
Những đối thủ trong tầm tiền
Hiện nay, nhà sản xuất Việt Nam VinFast đã chính thức “khai tử” – dừng sản xuất hai mẫu xe Lux A và Lux SA. Những đơn hàng cuối cùng sẽ đến tay khách hàng trong năm nay. Và cùng với đợt “xả kho” áp chót vừa rồi, VinFast cũng đã tung ra hàng loạt khuyến mại “shock”, cho phép áp dụng đồng loạt nhiều loại voucher cùng lúc lên giá bán xe.
Điều này khiến khách hàng có thể tiếp cận những chiếc Lux A và SA 2022 với mức giá lần lượt chỉ từ trên 600 triệu đồng và nhỉnh hơn 1 tỷ đồng. Trong phân khúc giá này, thực sự Lux A và Lux SA là những sự lựa chọn không thể đáng giá hơn! Không quá lời khi có thể nhận xét: cặp đôi Lux A và Lux SA là “chất lượng châu Âu, nhưng lại có giá Việt Nam”.
Với những khách hàng sử dụng xe, khảo sát chung thị trường cho thấy VinFast đưa ra mức giá bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế linh kiện phụ tùng rẻ so với mặt bằng chung. Đội ngũ nhân viên được đào tạo tay nghề bài bản và hệ thống cơ sở đạt tiêu chuẩn trên toàn quốc, khiến bài toán hậu mãi trở nên rất nhẹ nhàng đối với VinFast.
Thêm vào đó, để làm an lòng người tiêu dùng thương hiệu Việt đã ra thông báo nâng thời hạn bảo hành của những chiếc xe Lux lên tới 10 năm – tức là dài hơn gấp đôi, thậm chí gấp hơn ba lần chính sách bảo hành của các hãng xe phổ thông tại Việt Nam hiện nay. Điều này cũng chứng tỏ VinFast thực sự rất tự tin vào chất lượng hoàn thiện sản phẩm của mình, từ đó tạo dựng lòng tin nơi khách hàng đang trực tiếp sử dụng xe.
Tổng kết lại, 3 năm sử dụng với trên 70.000 km lăn bánh vẫn không phải là một vấn đề lớn đối với chiếc VinFast Lux SA. Mặc dù trên xe đã xuất hiện nhiều dấu vết của thời gian, tuy nhiên khả năng vận hành đầm chắc và đậm chất châu Âu vẫn được thể hiện rất rõ ràng. Xe thiên về phẩm chất vận hành, hơn là việc chạy đua tính năng giải trí.
Với mức giá hiện tại trên thị trường xe cũ chỉ giao động ở 800 – 900 triệu đồng tùy phiên bản hay đời xe (hiện tại đã dừng sản xuất mới), VinFast Lux SA vẫn là một chiếc xe “không có đối thủ” trong tầm tiền, nhờ “chất Đức” bền bỉ, lì lợm cấu thành bên trong.
Việc thương hiệu VinFast nâng thời hạn bảo hành 10 năm cũng là một yếu tố rất đáng cân nhắc: khẳng định chất lượng sản phẩm cũng như tạo dựng niềm tin nơi người tiêu dùng (cả khách hàng đang sở hữu xe hay nhóm khách hàng đang có nhu cầu tìm hiểu mua lại xe trên thị trường đã qua sử dụng).
Anh Phan (Tuoitrethudo)